Cày ải để phơi đất là một giải pháp kỹ thuật đem lại nhiều lợi ích trong gieo cấy lúa vụ xuân. Ngoài việc hạn chế mầm bệnh, sâu hại, cày ải còn có tác dụng cải tạo đồng ruộng làm cho đất tơi xốp và tăng độ màu mỡ của đất.
Với những tác dụng của việc cày ải phơi đất, tại hội nghị giao ban UBND xã và HTX DVNN chỉ đạo các thôn căn cứ tình hình thực tế, tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương hợp đồng với các chủ máy thực hiện việc cày ải, kết hợp với nạo vét mương máng làm thủy lợi Đông Xuân để chủ động tháo cạn nước trên các chân ruộng nhằm tạo thuận lợi cho phương tiện tiến hành cày ải nhằm bảo đảm kế hoạch đề ra.
Trong gieo cấy lúa vụ xuân, công tác chuẩn bị các khâu phục vụ gieo cấy có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm kế hoạch sản xuất, năng suất, chất lượng lúa gạo; trong đó khâu cày ải phơi đất có nhiều lợi ích. Để cày ải mang lại lợi ích trong gieo cấy lúa xuân, một trong những nguyên tắc quan trọng trong làm đất ải là đất cày phải lật úp thành luống, ải phải khô nỏ mới có tác dụng. Làm đất ải có tác dụng cải tạo hệ vi sinh vật đất gieo cấy lúa. Việc thâm canh 2 vụ lúa liên tục trong năm với yêu cầu phải có đủ nước cho cây sinh trưởng và phát triển đã làm cho đồng ruộng liên tục bị ngập nước, sinh ra yếm khí, hệ vi sinh vật có lợi cho cây trồng hoạt động kém. Đất ngập nước lâu sẽ tồn tại một số chất khí có hại cho cây trồng như: H2S, CH4…, khi cày ải, phơi khô đất thì các chất khí này sẽ thoát ra bay vào không khí, đồng thời cũng tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi hoạt động làm cho đất tơi xốp, thông thoáng, nhờ đó mà cây trồng hấp thu tốt hơn các chất dinh dưỡng có trong đất, có tác dụng diệt cỏ dại và các mầm sâu, bệnh còn lưu trú, tồn dư trên đồng ruộng. Cày ải tuy không diệt được mầm bệnh, nhưng diệt được ký chủ phụ của bệnh như cây cỏ; hạn chế sự tồn tại, sinh trưởng của côn trùng truyền bệnh như rầy nâu, rầy lưng trắng là những môi giới truyền bệnh lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá, đồng thời khắc phục được một số bệnh khác trên cây lúa ở vụ sau, nhất là bệnh nghẹt rễ...
Chuẩn bị cho sản xuất lúa vụ Xuân năm 2023, ngoài các diện tích gieo trồng rau màu vụ đông, hiện nay Phú Điền đã cày ải được khoảng 60% diện tích. Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành việc cày ải xong trước ngày 31/12, hiện nay, các thôn trong xã đang tích cực chỉ đạo việc cày ải và dọn mương máng.
Để bảo đảm kế hoạch gieo cấy lúa xuân 2023, tạo thuận lợi cho công tác bơm nước đổ ải, sau khi thu hoạch lúa vụ mùa năm 2022, xã chỉ đạo các thôn và các hộ dân tập trung tháo gạn nước mặt ruộng, ruộng khô đến đâu tiến hành cày ải ngay đến đó. Do ảnh hưởng của mưa, nhiều diện tích ruộng trũng cần cày ải bị đọng nước mặt ruộng, việc tháo gạn khặp khó khăn, do vậy tiến độ cày ải còn chậm.
Theo kinh nghiệm sản xuất của nông dân “ải thâm hơn dầm ngấu”, do vậy, các thôn cần quan tâm chỉ đạo khẩn trương triển khai cày ải phơi đất. UBND xã và HTX khuyến cáo các thôn và nhân dân trong xã: Đối với những diện tích không có kế hoạch trồng cây vụ đông, huy động tối đa nguồn lực, phương tiện máy móc để cày ải, cày lật đất. Những ruộng cao, mặt ruộng không còn đọng nước, tiến hành cày ải ngay để đất được khô nỏ, những ruộng còn đọng nước phải tiến hành xẻ rãnh, gạn tháo, tiêu thoát nước trên mặt ruộng, khi đất mặt ruộng se thì tiến hành cày ải; đối với những chân ruộng trũng, không thể gạn tháo thì giữ nước để làm dầm. Đối với diện tích đang trồng và có kế hoạch trồng cây vụ đông, khoanh vùng, giữ nước trên mương máng, bảo đảm có đủ nguồn nước tưới cho cây trồng vụ đông nhưng không gây ảnh hưởng đến việc gạn tháo nước để cày ải và làm thủy lợi nội đồng. Sau khi thu hoạch cây vụ đông phải tiến hành cày lật đất ngay để hạn chế cỏ dại phát triển và diệt nguồn sâu, bệnh hại lưu trú qua đông. Phấn đấu cày ải, cày lật đất trong toàn xã xong trước ngày 31/12/2022.